Tỉnh Quảng Ninh, với việc phòng chống dịch thành công, giữ vững được vùng xanh, địa bàn an toàn, ổn định, vừa duy trì các hoạt động kinh tế – xã hội ổn định, 9 tháng đầu năm tốc độ kinh tế tăng trưởng 8,6%. Đồng thời cũng tạo thêm “đất lành” thu hút mạnh đầu tư trong nước, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng.

Đón nhiều dự án đầu tư FDI lớn

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận thu hút 8 dự án đầu tư FDI mới và điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,076 tỷ USD, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút FDI cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cả năm 2020 (589 triệu USD).

Đáng chú ý, các dự án FDI thu hút mới trong 9 tháng qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo – phù hợp với định hướng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút mà Nghị quyết 01 của Đảng bộ tỉnh đặt ra. Điều đáng chú ý nữa là 9 tháng năm nay, Quảng Ninh đã chấp thuận cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư nhiều dự án FDI có số vốn đăng ký “khủng” nhất từ trước đến nay đầu tư vào địa bàn. Trong đó, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, với sự hỗ trợ, cam kết của các lãnh đạo tỉnh, cùng sự vào cuộc tích cực từ các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư 2 dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai.

Dự án thứ nhất có tên gọi Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD (dự án khởi động ngày 31/3/2021). Thứ hai là Dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD (trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án ngày 19/9). Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn Quảng Ninh từ trước đến nay, sẽ tạo ra những cú huých phát triển mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Dự án Jinco 2- một trong 2 dự án có vốn FDI lớn nhất cấp mới năm 2021
Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Dự án Jinco 2- một trong 2 dự án có vốn FDI lớn nhất cấp mới năm 2021

Ngoài 2 dự án FDI lớn cấp mới tiêu biểu trên đây, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, như: Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD). Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD). Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD). Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD). Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD).

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 142 dự án FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 7,66 tỷ USD. Lũy kế đến nay vốn đầu tư thực hiện là 5,54 tỷ USD, đạt 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 của các doanh nghiệp FDI đạt 36,2%, đóng góp 3,7 điểm % trong tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Tạo thêm “gió lành” cho sức hút đầu tư

Những đóng góp từ lĩnh vực đầu tư FDI trên đây là minh chứng rõ nét nhất cho kết quả của những nỗ lực giữ vững được vùng xanh, địa bàn an toàn trong phòng chống đại dịch mà tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm thực hiện trong suốt thời gian qua.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng và diễn biến hết sức phức tạp tại nước Việt Nam, cũng như thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các phương án, kịch bản và áp dụng đồng bộ linh hoạt tất cả các biện pháp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, cũng như không để thiếu hụt nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Tỉnh hỗ trợ đưa trên 800 người nước ngoài của 191 doanh nghiệp vào làm việc tại địa bàn, đồng thời ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ sớm cho toàn bộ công nhân tại các KCN, các nhà máy và cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Qua đó, vừa đảm bảo được môi trường sản xuất kinh doanh an toàn, vừa tạo thêm “gió lành” cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Sản xuất các sản phẩm dệt may của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam tại KCN cảng biển Hải Hà - Quảng Ninh
Sản xuất các sản phẩm dệt may của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam tại KCN cảng biển Hải Hà – Quảng Ninh

Ông Hoàng Kim Tinh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam – cho biết: Ban đầu công ty đã cân nhắc giữa 2 địa điểm là ở Malaysia và Việt Nam (tại tỉnh Quảng Ninh). Tại Malaysia, chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ, dự kiến đầu tư tại nước này, nhưng khi đó bệnh dịch tại đây rất căng thẳng. Vì thế, chúng tôi đã đến Quảng Ninh – Việt Nam để tìm hiểu, thấy đảm bảo các điều kiện như về điện, nước, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự cam kết hợp tác của địa phương về những yêu cầu rất khắt khe dự án, nên đã quyết định chuyển từ Malaysia qua đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.

Ông Hoàng Kim Tinh chia sẻ thêm, khi đầu tư dự án 1, Jinko cũng đã gặp một số vấn đề về dịch bệnh tại tỉnh Quảng Ninh, nhưng địa phương đã khống chế nhanh chóng, chính vì vậy, tập đoàn vẫn quyết định đầu tư. “Chúng tôi cảm thấy yên tâm khi thực hiện dự án tại Quảng Ninh và vì vậy quyết định đầu tư thực hiện dự án 2 tại đây”, ông Hoàng Kim Tinh khẳng định.

Ông Phùng Kỳ Luân – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tony Việt Nam – chia sẻ, với địa bàn tỉnh Quảng Ninh được giữ an toàn dịch bệnh đã giúp doanh nghiệp chúng tôi ổn định sản xuất trong suốt thời gian qua, đây là cơ sở để chúng tôi hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh của cả năm 2021. “Với môi trường đầu tư kinh doanh được bảo đảm an toàn và luôn luôn được cải thiện của Quảng Ninh, chúng tôi cũng đã có kế hoạch nâng cao mở rộng sản xuất trong những năm tiếp theo”, ông Phùng Kỳ Luân cho biết.

Những chia sẻ này của các nhà đầu tư nước ngoài chứng tỏ việc kiểm soát dịch bệnh của Quảng Ninh có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp FDI. Trong bối cảnh đại dịch, Quảng Ninh giữ được địa bàn an toàn, cũng được xem là “cơ hội vàng” hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước, cũng như ngoài nước.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – Cao Tường Huy nhấn mạnh: “Để tạo điều kiện thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài, Quảng Ninh chủ động hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu…”.

Tiến Dũng – Xuân Phú

https://congthuong.vn/giai-ma-thanh-cong-cua-quang-ninh-trong-thu-hut-dau-tu-bai-2-dat-lanh-thu-hut-dau-tu-fdi-166170.html